Tổng quan về insulin: Insulin là gì? Các loại insulin và cách dùng

Insulin là một loại hormone có nhiệm vụ dẫn truyền glucose trong máu đi vào tế bào, cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Sự thiếu hụt insulin chính là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh tiểu đường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ khái niệm insulin là gì, phân loại insulin cách sử dụng sao cho đúng.

Insulin là gì?

Insulin là một loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy, tuyến nằm phía sau dạ dày. Nó cho phép cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng (glucose là một loại đường có trong nhiều thực phẩm chứa carbohydrate).

Sau mỗi bữa ăn, lượng đường được tiêu hóa sẽ phân hủy thành carbohydrate và chuyển hóa thành glucose. Glucose sau đó được hấp thụ vào máu thông qua lớp niêm mạc trong ruột non. Khi glucose đã vào máu, insulin sẽ giúp các tế bào khắp cơ thể hấp thu đường và sử dụng nó để làm năng lượng.

Ngoài ra, insulin còn có chức năng giúp cân bằng lượng đường trong máu. Khi cơ thể có quá nhiều đường glucose trong máu, insulin sẽ báo hiệu cơ thể lưu trữ lượng dư thừa trong gan. Lượng dự trữ sẽ không được giải phóng cho đến khi lượng đường trong máu giảm đi, chẳng hạn như giữa các bữa ăn hoặc khi cơ thể căng thẳng hoặc cần nạp thêm năng lượng.

insulin la gi
Insulin có chức năng cân bằng lượng đường trong máu

Vai trò của insulin đối với bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách hoặc không tạo đủ insulin. Có 2 loại bệnh tiểu đường, đó là bệnh tiểu đường tuýp 1 và bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tiểu đường tuýp 1 là một loại bệnh tự miễn dịch. Đây là căn bệnh khiến cơ thể tự tấn công. Nếu bạn mắc tiểu đường tuýp 1, cơ thể sẽ không thể tạo ra insulin. Điều này là do hệ thống miễn dịch đã phá hủy tất cả các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy của cơ thể. Bệnh này thường được chẩn đoán ở những người trẻ vị thành niên, ngoài ra nó cũng có thể phát triển ở người trưởng thành.

Còn bệnh tiểu đường tuýp 2 là khi cơ thể đã trở nên đề kháng với tác động của insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể cần nhiều insulin hơn để phục vụ cho nhu cầu hoạt động hàng ngày. Do đó, cơ thể tự sản xuất quá mức insulin để giữ đường huyết ở mức bình thường. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian dài phải sản xuất quá mức, các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy sẽ bị cạn kiệt và gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh này ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường gặp chủ yếu ở người trưởng thành.

Insulin điều trị bệnh tiểu đường

Có thể bạn đã nghe nói đến thuốc tiêm tiểu đường để điều trị bệnh tiểu đường, thực tế đó chính là tiêm insulin. Việc này có thể giúp điều trị cả hai loại bệnh tiểu đường. Insulin được tiêm đóng vai trò thay thế hoặc bổ sung cho insulin của cơ thể. Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không thể tạo ra insulin, vì vậy họ phải tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Nhiều người mắc tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát mức đường huyết của họ bằng cách thay đổi lối sống và thuốc uống. Tuy nhiên, nếu những phương pháp điều trị này không giúp kiểm soát mức đường huyết thì người bệnh có thể cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết của họ.

Hiện nay, có một loại thuốc insulin thường được các bác sĩ sử dụng để tiêm cho bệnh nhân, đó là insulin lantus (hay còn gọi là insulin glargine).  Đây là loại insulin có tác dụng lâu dài và được sử dụng một lần mỗi ngày. 

insulin co may-loai
Insulin thường được phân chia làm 4 loại

Các loại insulin và cách sử dụng

Tất cả các loại insulin đều tạo ra tác dụng như nhau. Chúng làm tăng hoặc giảm mức insulin tự nhiên mà cơ thể tạo ra trong ngày. Việc phân loại insulin dựa theo cơ chế tác dụng của insulin (tức là tốc độ và thời gian hoạt động của chúng), bao gồm:

  • Insulin tác dụng nhanh: Loại insulin này bắt đầu hoạt động khoảng 15 phút sau khi tiêm. Tác dụng của nó có thể kéo dài từ 3-4 giờ đồng hồ. Nó thường được sử dụng trước bữa ăn.
  • Insulin tác dụng ngắn: Loại này được tiêm trước bữa ăn. Nó bắt đầu hoạt động từ 30-60 phút sau khi tiêm và kéo dài từ 5-8 giờ.
  • Insulin tác dụng trung gian: Loại insulin này bắt đầu hoạt động sau 1-2 giờ sau khi tiêm và tác dụng có thể kéo dài từ 14-16 giờ.
  • Insulin tác dụng kéo dài: Insulin này có thể không hoạt động cho đến 2 giờ sau khi tiêm. Nhưng tác dụng của nó có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc lâu hơn.

Cách dùng insulin và liều lượng:

Insulin không thể bổ sung bằng đường uống mà phải qua đường tiêm. Việc lựa chọn loại insulin để tiêm dựa theo sở thích cá nhân, nhu cầu sức khỏe của mỗi người. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách tự tiêm insulin tại nhà. Bạn có thể tiêm dưới da ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, ví dụ như:

  • Đùi
  • Mông
  • Cánh tay
  • Bụng

Lưu ý: Đừng tiêm insulin trong bán kính 5cm tính từ rốn vì cơ thể sẽ không hấp thụ được. Hãy lựa chọn vị trí tiêm cho phù hợp để ngăn da dày lên do tiếp xúc với insulin liên tục.

Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh tiêm insulin 60 phút trước khi ăn hoặc ngay trước bữa ăn. Lượng insulin mà bệnh nhân cần hàng ngày phụ thuộc vào các yếu tố như chế độ ăn uống, mức độ hoạt động thể chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số người chỉ cần tiêm một mũi insulin mỗi ngày nhưng một số khác có thể là 3-4 mũi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh sử dụng cả insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng kéo dài.

Tác dụng phụ của insulin

Hạ đường huyết hoặc đường huyết sụt giảm quá thấp là tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng insulin. Đây còn gọi là phản ứng insulin. Nếu người bệnh tập thể dục quá nhiều hoặc ăn không đủ, lượng glucose trong cơ thể có thể giảm xuống quá thấp và kích hoạt phản ứng với insulin. Lúc này, người bệnh cần cân bằng lượng insulin được cung cấp với thức ăn hoặc calo. Các triệu chứng của phản ứng insulin bao gồm: mệt mỏi, mất khả năng nói, đổ mồ hôi, choáng váng, mất ý thức, da nhợt nhạt, co giật.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc insulin là gì, cách phân loại insulin và cách sử dụng cho từng loại. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào, hãy để lại bình luận ở phía dưới, chúng tôi sẽ giải đáp cụ thể.

(1) Xem thêm tại: https://www.endocrineweb.com/conditions/type-1-diabetes/what-insulin

(2) Xem thêm tại: https://www.healthline.com/health/regular-insulin-injectable-solution

(3) Tìm hiểu thêm tại: https://www.webmd.com/diabetes/qa/what-is-the-role-of-insulin-in-diabetes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.