Dù không có chế độ ăn uống cụ thể nào cho bệnh tiểu đường nhưng khi nhắc đến chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường thì bạn cần ghi nhớ 3 yếu tố: thành phần dinh dưỡng, lượng thức ăn và thời điểm ăn. Ba điều này giúp người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu, duy trì cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ và biết cách làm sao để có một chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh tiểu đường.
Một chế độ ăn hợp lý của bệnh nhân tiểu đường không chỉ giúp ngăn ngừa, kiểm soát tình trạng bệnh mà còn có thể đẩy lùi bệnh tật. Và nó cũng rất tốt cho những người khỏe mạnh không mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn có thể tham khảo chế độ ăn uống này cho tất cả các thành viên trong gia đình mình để duy trì một sức khỏe tốt.
Người bệnh tiểu đường nên ăn gì?
Trước tiên chúng ta cần biết có 4 loại chất dinh dưỡng có trong thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến lượng đường huyết của người bệnh, bao gồm:
- Carbonhydrate (có trong đường, tinh bột, chất xơ và nhiều thực phẩm khác)
- Chất đạm (có trong các loại thịt)
- Chất béo (có trong dầu ăn, mỡ động vật, các loại hạt)
- Chất xơ (có trong rau, củ)
Carbohydrate khiến lượng đường trong máu có thể tăng nhanh hơn cả chất đạm hay chất béo. Vì từ carbohydrate có thể chuyển hóa thành đường glucose trong máu. Còn chất xơ (cũng là một phần của carbohydrate), chất đạm và chất béo lại không trực tiếp chuyển hóa thành glucose, nếu ăn vừa đủ chúng còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate sau bữa ăn. Tóm lại, bốn nhóm chất này khi sử dụng quá mức sẽ gây tác động xấu cho sức khỏe, ngược lại nếu biết cách cân đối trong chế độ ăn của người tiểu đường thì sẽ đem đến những chuyển biến tích cực.
Do đó, một chế độ ăn dành cho người tiểu đường cần hướng tới sự đa dạng trong các nhóm chất để có thể quản lý lượng đường trong máu tốt hơn và no lâu hơn. Đó là ăn kết hợp carbohydrate, chất xơ, chất đạm và chất béo, nhưng vẫn phải đảm bảo việc chọn những thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm chứa carbohydrate lành mạnh: rau, đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây
- Thực phẩm giàu chất xơ: rau, trái cây, các loại hạt, hạt đậu (đậu nành, đậu xanh), đậu hà lan, ngũ cốc nguyên hạt
- Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: cá, các loại hạt, bơ, ô liu, dầu ô liu nguyên chất
- Thực phẩm chứa chất đạm lành mạnh: đậu nành, đậu xanh, cá hồi, cá ngừ, cá rô phi, cá chim, sữa tách béo.
Ngoài ra, việc kiểm tra lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn cũng giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát tốt những thực phẩm mình ăn vào, biết ước chừng bao nhiêu là đủ cho mỗi bữa. Từ đó giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.
Người bệnh tiểu đường nên kiêng gì?
– Thực phẩm chứa chất béo bão hòa:
Chất béo bão hòa là loại chất béo làm tăng lượng cholesterol trong máu, nhất là đối với bệnh nhân tiểu đường. Chúng có phổ biến trong các loại thịt động vật giàu chất béo như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, da gà, sữa nguyên chất, phô mai, xúc xích, kem,…
– Thực phẩm chứa chất béo trans:
Còn được gọi là chất béo chuyển hóa. Chúng hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, bằng phương pháp hydro hóa thức ăn, từ dầu ăn trở thành chất béo rắn. Ví dụ như những thực phẩm được chế biến sẵn như: khoai tây chiên, khoai lang chiên, gà rán, bánh quy,…
– Thực phẩm chứa cholesterol:
Số lượng cholesterol trong cơ thể được tạo thành từ cholesterol tự nhiên trong máu cộng với cholesterol từ thực phẩm mà chúng ta ăn vào. Hãy hạn chế những thững thực phẩm như: sữa nguyên chất, thịt động vật giàu chất béo không lành mạnh, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, bánh ngọt, bánh kem, bánh quy, kem,…
– Thực phẩm nhiều natri (có trong muối):
Người bệnh tiểu đường tuyệt đối không nên ăn mặn. Các sĩ vẫn khuyên bệnh nhân tiểu đường cần ăn nhạt, nó được xem là một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người bệnh tiểu đường. Ăn ít natri hơn cũng được chứng minh là giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh huyết áp cao. Khi mua những thực phẩm được đóng gói, chúng ta cũng cần lưu ý đến thành phần natri có trong sản phẩm để đảm bảo không bị vượt mức cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường
Một chế độ ăn tốt cho người tiểu đường không đồng nghĩa với việc người bệnh phải kiêng khem, ăn uống khổ sở mà không được ăn những thức ăn ngon. Trong thực đơn mẫu dưới đây, ở mỗi bữa ăn đều có sự cân bằng tốt giữa chất đạm, chất béo và chất xơ. Bạn có thể tham khảo và đưa nó vào chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường với lượng khẩu phần phù hợp tùy theo thể trạng mỗi người. Lưu ý là chỉ nên ăn sao cho cảm thấy vừa đủ, không nên ăn quá no.
Bữa sáng:
Đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày để phục vụ một ngày làm việc và vận động dài. Vì thế cơ thể cần được nạp vào một lượng carbohydrate giàu chất xơ, chất đạm và chất béo lành mạnh.
– Nhóm carbohydrate giàu chất xơ:
- Ngũ cốc nguyên hạt với trái cây
- Bánh mì nguyên cám
- Rau xanh
– Nhóm chất đạm lành mạnh (ít chất béo bão hòa)
- 2 quả trứng gà (có thể ăn kèm với rau chân vịt, súp lơ xanh hoặc cà chua)
- Sữa tách béo hoặc sữa đậu nành pha với ngũ cốc nguyên hạt
– Nhóm chất béo lành mạnh
- Quả bơ
- Các loại hạt (hạt điều, hạt đậu phộng, hạt bí, hạt hạnh nhân,…)
- Cá có dầu: cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi,…
- Dầu ô liu nguyên chất (có thể dùng dầu để làm món trứng ốp la)
Bữa trưa:
– Nhóm chất đạm lành mạnh:
- Thịt ức gà bỏ da, thịt bò hoặc thịt lợn nạc
- Sữa tách béo
- Salad rau với cá ngừ hoặc cá hồi trộn giấm, sữa chua ít đường và một ít sốt mayonnaise
– Các món từ đậu như:
- Đậu hà lan
- Đậu phụ
- Canh thịt nạc hầm với đậu nành
- Canh đậu xanh
Bữa tối:
– Nhóm carbohydrate giàu chất xơ:
- Gạo lứt, lúa mạch
- Canh rau: rau ngót, rau dền, rau súp lơ xanh,…
- Rau luộc: củ cải, bí xanh, cà rốt,…
- Rau xà lách hay một số loại rau sống khác
- Trái cây tươi
– Nhóm chất đạm lành mạnh (ít chất béo bão hòa):
- Các món từ cá: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá rô phi, cá chim (hạn chế món cá chiên vì dễ chứa chất béo trans)
- Thịt gia cầm không da: gà, vịt
- Thịt bò hoặc thịt lợn phần thịt thăn không có mỡ
– Nhóm chất béo lành mạnh:
- Một lượng dầu ô liu vừa đủ dùng để nấu ăn
- Các loại hạt được thêm vào món ăn (như hạt lạc để cho vào nộm)
– Món ăn nhẹ lành mạnh:
- Dưa chuột
- Bánh quy ngũ cốc nguyên hạt
- Các loại hạt (hạt bí, hạt điều, hạt đậu phộng,…)
Một số lưu ý trong chế độ ăn cho người bị tiểu đường
Người bệnh tiểu đường cần “nằm lòng” một số nguyên tắc dưới đây để ngăn chặn đường huyết gia tăng không kiểm soát:
- Không nên ăn 3 bữa một ngày và ăn quá no trong mỗi bữa. Hãy chia 5-6 bữa mỗi ngày, mỗi bữa ăn lượng vừa đủ.
- Ăn uống đúng giờ giấc, tránh để dạ dày quá đói dẫn đến việc ăn nhiều.
- Không nên thay đổi đột ngột cơ cấu và lượng thức ăn giữa các bữa.
- Nên vận động nhẹ sau khi ăn, không nằm luôn hay chỉ ngồi yên một chỗ. Tập thể dục điều độ là điều không thể thiểu để duy trì đường huyết ổn định bên cạnh chế độ ăn uống của người tiểu đường.
Trên đây là những thông tin quan trọng về chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường. Hy vọng sẽ giúp ích cho người bệnh trong quá trình kiểm soát tình trạng bệnh và duy trì cơ thể khỏe mạnh dài lâu. Mọi ý kiến thắc mắc, vui lòng để lại bình luận ở phía dưới bài viết, chuyên gia tư vấn sẽ liên hệ và hỗ trợ bạn.