Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì? Nguy hiểm như thế nào với mẹ và bé!

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao ở người phụ nữ mang thai. Bị tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không là câu hỏi được rất nhiều mẹ quan tâm lo lắng. Hãy tìm hiểu giải pháp mẹ có thể làm nếu được chẩn đoán để bảo vệ mẹ và con tốt nhất!

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Nguy hiểm cho con

Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, em bé của bạn có thể tăng nguy cơ:

  • Cân nặng khi sinh quá mức: lượng đường máu cao ở phụ nữ mang thai thường khiến em bé phát triển quá lớn, thừa cân so với tuổi thai, điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong quá trình sinh nở, chuyển dạ sớm hoặc bắt buộc can thiệp sinh mổ sớm.
  • Đẻ sớm (sinh non – trước tuần thứ 37 của thai kỳ): lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non trước ngày dự sinh. Thậm chí nhiều trường hợp Bác sĩ phải đề nghị đẻ sớm vì thai quá to. 
  • Dư quá nhiều nước ối
  • Tăng nguy cơ trẻ sau khi sinh gặp phải hội chứng suy hô hấp, khó thở, vàng da, thiếu canxi trong máu.
tieu-duong-khi-mang-bau
Tác hại tiểu đường thai kỳ: nguy mẹ – hại con!
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết): đôi khi em bé của các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có lượng đường trong máu thấp ngay sau khi sinh. Các đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật ở trẻ. 
  • Mắc béo phì và tiểu đường loại 2 sau này: em bé của những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 sau này cao hơn.
  • Thai chết lưu: bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm cho thai nhi trước hoặc ngay sau khi sinh.

Nguy hiểm cho mẹ

  • Bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tiền sản giật, sản giật nguy hiểm cho mẹ (tiền sản giật là tình trạng gây tăng huyết áp khi mang thai và có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị)
  • Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn sau khi sinh hoặc phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai (nguy cơ từ 20% đến 50% trong vòng 5 đến 10 năm sau khi sinh).

Nguyên nhân và triệu chứng tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhau thai tạo ra các hormon khiến glucose tích tụ trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tiết đủ insulin (là hormon giúp đưa glucose từ máu tới tế bào, sử dụng để tạo năng lượng), giúp lượng đường glucose luôn ở mức ổn định. Nhưng nếu cơ thể bạn không thể tạo ra đủ insulin hoặc ngừng sử dụng insulin như bình thường, lượng đường trong máu sẽ tăng và gây ra tình trạng tiểu đường thai kỳ.

nguoi-bi-tieu-duong-thai-ky
Bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai

Một số dấu hiệu trong thai kỳ có thể nhận thấy gợi ý đến tình trạng tiểu đường:

  • Hay khát hơn bình thường, khô miệng
  • Đói bụng và ăn nhiều hơn bình thường
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Mệt mỏi (có thể khó phân biệt với mệt mỏi khi mang thai bình thường ).

Nhiều trường hợp thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ phát hiện ra khi phụ nữ mang thai đi kiểm tra thăm khám định kỳ, Bác sĩ phát hiện có lượng đường trong nước tiểu

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra trong nửa sau của thai kỳ và thường được kiểm tra trong khoảng từ tuần 24 đến 28 hoặc sớm hơn nếu bạn có nguy cơ cao. 

Nếu bị tiểu đường thai kỳ, Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu cho bạn một kế hoạch điều trị. Hầu hết phụ nữ có thể kiểm soát được lượng đường trong máu bằng kế hoạch thực phẩm lành mạnh và tập thể dục hàng ngày. Một số phụ nữ cũng cần phải tiêm insulin hàng ngày và kiểm tra lượng đường trong máu cho đến khi họ sinh con.

Chế độ ăn uống và tập thể dục cho người bị tiểu đường thai kỳ

Tầm quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng

Một chế độ ăn uống cân bằng là điều cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì thai kỳ khỏe mạnh. 

nguoi-bi-tieu-duong-thai-ky
Chế độ ăn hợp lý là nền tảng giúp cải thiện tình trạng tiểu đường thai kỳ tích cực
  • Khi bị tiểu đường thai kỳ, một số thay đổi cần phải được thực hiện đối với chế độ ăn của mẹ, bao gồm lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn. Một chế độ ăn kiêng kiểm soát carbohydrate là nền tảng của điều trị. 
  • Điều cần thiết là không loại bỏ hoàn toàn carbohydrate mà là phân phối đều đặn trong suốt cả ngày. Kết hợp với đó là đảm bảo lượng cung cấp chất đạm, axit béo thiết yếu, axit folic, vitamin D, canxi,…

Tầm quan trọng của hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất giúp kiểm soát bệnh tiểu đường khi mang thai và có rất nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mang thai.

  • Khuyến cáo từ các Chuyên gia đều cho rằng hầu hết phụ nữ mang thai nên thực hiện tổng cộng 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần, lý tưởng nhất là trong ít nhất 3 đến 5 buổi 30 đến 45 phút mỗi lần. Nếu bạn không hoạt động trước khi mang thai, hãy bắt đầu dần dần.
  • Các hoạt động tim mạch an toàn (được thực hiện ở cường độ nhẹ đến trung bình) khi mang thai có thể dễ dàng thực hiện như đi bộ, bơi lội nhẹ nhàng, … Tuyệt đối tránh tránh các hoạt động thể chất có nguy cơ bị ngã, mất thăng bằng. 
  • Giữ đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục, ngoài việc luôn luôn mang theo bên mình máy đo đường huyết (đường) và một nguồn carbohydrate hấp thu nhanh trong trường hợp hạ đường huyết. 

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh tiểu đường sẽ biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường trong tương lai tăng lên, đặc biệt là nếu bạn giữ cân nặng dư thừa. Để tránh tình trạng này, bạn nên duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

Hơn nữa, bạn nên làm xét nghiệm đường huyết trong khoảng từ 6 tuần đến 6 tháng sau khi sinh để kiểm tra xem mức đường huyết của bạn có trở lại giá trị bình thường hay không. Trước khi mang thai lần nữa, bạn nên tham khảo ý kiến ​​Bác sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.