Ho là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai do trong thai kỳ cơ thể thường trở nên nhạy cảm hơn. Mắc phải triệu chứng này khi mang thai khiến các mẹ lo lắng, băn khoăn làm sao để chữa khỏi ho mà vẫn an toàn cho bé. Dưới đây là các thông tin liên quan và cách xử trí khi bà bầu bị ho giúp bạn yên tâm chăm sóc bản thân trong thai kỳ.
Tại sao mẹ bầu bị ho?
Khi mang thai cơ thể người mẹ trở nên nhạy cảm hơn, cổ họng cũng dễ bị kích thích hơn. Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị ho như thay đổi đột ngột nhiệt độ do thời tiết chuyển mùa, từ phòng lạnh ra ngoài nắng nóng hoặc ngược lại, sự thay đổi hormone trong cơ thể, các tác nhân gây bệnh tấn công đường hô hấp gây ra các bệnh đường hô hấp…
Nhiệt độ thay đổi đột ngột
Thay đổi đột ngột nhiệt độ do sử dụng điều hòa nhiệt độ hoặc lúc thời tiết chuyển mùa làm cho cơ thể không kịp thích ứng và dễ bị kích thích dẫn đến gây ho.
Nội tiết tố trong cơ thể thay đổi
Khi mang thai, nội tiết tố của cơ thể thay đổi cũng có thể làm cho bà bầu bị ho, nhất là 3 tháng giữa thai kỳ. Trong giai đoạn này, em bé bắt đầu phát triển mạnh kéo theo đó là cân bằng hormone trong cơ thể cũng bị thay đổi mạnh, cơ thể bị tăng tiết chất nhầy trong đó có chất nhầy ở cổ họng làm kích thích cổ họng gây ho.
Mắc các bệnh đường hô hấp
Nội tiết tố thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể gây ra bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi … và làm mẹ bầu bị ho.
Ngoài ra, khi mang thai ở 3 tháng giữa thai kỳ, tử cung bắt đầu lớn dần lên nhanh chóng có thể gây áp lực lên dạ dày gây trào ngược dạ dày và dẫn tới niêm mạc họng bị tổn thương, bị viêm và gây ra tình trạng ho.
Các tình trạng ho bà bầu hay mắc phải
Ho có đờm
Khi mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể người mẹ bị suy giảm nên các yếu tố gây bệnh như vi khuẩn, virus dễ xâm nhập cơ thể nhất là vùng hầu họng gây nên các bệnh đường hô hấp bà làm mẹ bầu bị ho.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, ngoài triệu chứng ho có thể có kèm theo đờm, lượng đờm nhiều hay ít phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu bị viêm họng nặng bà bầu có thể bị ho có kèm đờm xanh.
Ho ngứa cổ
Ho khi mang thai có thể có kèm ngứa cổ, cổ họng cảm thấy khô rát, ho nhiều, nặng dần lên. Do khi mang thai sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên dễ bị mắc bệnh nhất là các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản làm niêm mạc họng bị tổn thương và bị ho.
Ho sổ mũi
Khi mang thai lưu lượng máu tăng lên đáng kể và gây áp lực cho các mao mạch ở khoang mũi và tăng tiết dịch nhầy ở khoang mũi gây sổ mũi, ngứa cổ và ho.
Bà bầu bị ho có ảnh hưởng gì không
Ho khi mang thai khiến cơ thể bị mệt mỏi do cơ ngực thường xuyên bị co thắt. Tình trạng này kéo dài làm mẹ bầu ăn không ngon, mất ngủ, hay bị thức giấc, thiếu ngủ làm cho cơ thể bị nhược và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.
Nếu tình trạng ho kéo dài, thường xuyên ho, ho mạnh có thể làm tăng cơn gò tử cung và có thể ảnh hưởng đến trạng thái phát triển của thai nhi, có thể gây dọa sẩy hoặc sinh non.
Nếu ho là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn và không được phát hiện và điều trị kịp thời cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai, có thể gây mất tim thai đột ngột.
Cách xử trí khi mẹ bầu bị ho
Trong thai kỳ, nếu chỉ ho nhẹ, ngứa cổ, sổ mũi ở mức độ nhẹ thì bà bầu không cần quá lo lắng. Đa số bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan mà cần theo dõi và chăm sóc cơ thể hợp lý để tránh thai nhi bị ảnh hưởng
Thường xuyên vệ sinh tai, mũi, họng bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.
Chăm sóc cổ họng tốt, không để họng bị khô, bị lạnh… khiến niêm mạc họng bị tổn thương và gây ho.
Khi tình trạng ho kéo dài, có đờm đặc, đờm xanh, ngứa cổ, đau họng, rát họng …mẹ bầu cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn điều trị hiệu quả và an toàn. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc để chữa ho khi đang mang thai.
Chúng ta vừa tìm hiểu các tình trạng ho cũng như nguyên nhân và cách xử trí khi bà bầu bị ho. Hy vọng bạn có thể yên tâm chăm sóc bản thân hợp lý để mẹ khỏe con khỏe và sẵn sàng chào đón bé chào đời.