Với người mắc bệnh tiểu đường, thời gian để chữa lành vết thương là lâu hơn người bình thường. Điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dẫn tới các biến chứng khác. Vậy nên chúng ta cần biết cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường để bảo vệ bản thân hoặc người thân trong gia đình mình.
Nguyên nhân khiến người tiểu đường khó lành vết thương
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến người bị bệnh tiểu đường khó chữa lành vết thương hơn người bình thường là do mối liên quan mật thiết giữa lượng đường huyết và các tổn thương trên da.
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng: thời gian để những người bị bệnh tiểu đường chữa lành vết thương ngoài da là phụ thuộc vào việc họ có kiểm soát lượng đường trong máu tốt hay không. Tức là lượng đường trong máu càng cao thì vết thương càng khó lành, ngược lại lượng đường trong máu ở mức ổn định thì vết thương sẽ mau lành hơn.
Nguyên nhân khiến người tiểu đường khó lành vết thương là bởi bệnh gây suy giảm chức năng sản xuất hormone insulin của cơ thể, một loại hormone giúp các tế bào lấy và sử dụng đường (glucose) từ máu để tạo ra năng lượng phục vụ cho hoạt động sống của cơ thể. Sự trì trệ trong việc sản sinh ra insulin này khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu hơn.
Khi lượng đường trong máu luôn cao, nó làm suy yếu chức năng của các tế bào bạch cầu. Mà tế bào bạch cầu lại đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống miễn dịch. Khi bạch cầu không còn hoạt động bình thường, cơ thể bị làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và khó làm lành vết thương.
Những người mắc bệnh tiểu đường mà có lượng đường huyết luôn ở mức cao thì máu sẽ lưu thông kém. Khi đó, máu di chuyển chậm hơn, khiến cơ thể khó cung cấp chất dinh dưỡng hơn cho các vết thương. Kết quả là việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường trở nên khó khăn, vết thương chậm lành hoặc có thể không được chữa lành.
Ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các vết thương, bệnh tiểu đường còn gây ra những tổn thương dây thần kinh. Lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể làm hỏng các dây thần kinh, làm tê liệt khu vực bị tổn thương. Có nghĩa là họ có thể không cảm nhận được việc mình bị tổn thương, nhất là ở chân. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Bởi nếu một người không nhận ra thương tích trên cơ thể mình thì vết thương của họ sẽ không được điều trị. Cứ kéo dài như vậy, vết thương sẽ trở nên trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, phần lớn những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm khuẩn vết thương.
Các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng nhiễm trùng bao gồm:
- Đổ mồ hôi
- Da khô, nứt nẻ
- Nhiễm trùng móng chân
- Có những bất thường xảy ra ở chân như: trật khớp, sưng bàn chân,…
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian chữa lành vết thương ở người tiểu đường bao gồm:
- Suy giảm hormone insulin
- Giảm sản xuất collagen
- Da yếu, dễ bị tổn thương
- Giảm sản xuất các mạch máu mới
Biến chứng vết thương ở người bệnh tiểu đường
Như đã nói ở trên, việc chăm sóc vết thương cho người tiểu đường lâu hơn người bình thường cũng làm ảnh hưởng lên các dây thần kinh và mạch máu. Từ đó, dễ dẫn đến những biến chứng khác, bao gồm: bệnh tim, bệnh thận và các vấn đề về mắt.
Nếu vết thương bị nhiễm trùng mà không được điều trị thì có thể lây lan rộng đến các cơ và xương, dẫn đến viêm tủy xương hay hoại thư. Trong đó, hoại thư chính là khi các mô của cơ thể bị chết, đây là nguyên nhân dẫn đến việc phải cắt cụt chi ở những người bị mất chân do bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, khi người bệnh tiểu đường bị nhiễm trùng vết thương mà không được kiểm soát thì sẽ dễ bị nhiễm trùng vào máu, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Cách chăm sóc vết thương cho người tiểu đường
Để chăm sóc vết thương cho người tiểu đường khi không may xảy ra những tổn thương trên da, chúng ta có thể sử dụng nhiều biện pháp giúp vết thương ấy mau lành. Bao gồm: chăm sóc chân hàng ngày, điều trị ngay khi có vết thương xảy ra và kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên.
Chăm sóc chân cho người bị tiểu đường
- Rửa chân hàng ngày
- Vệ sinh da cho khô trước khi thoa kem dưỡng ẩm
- Tránh đi chân trần
- Cẩn thận khi cắt tỉa móng chân
- Đi giày thoải mái, không đi giày chật
- Kiểm tra bên trong giày trước khi đi để tránh có vật nhọn làm tổn thương bàn chân.
Cách điều trị vết thương
Để chăm sóc vết thương cho người tiểu đường thì điều đầu tiên cần làm là chú ý theo dõi vết thương. Dù vết thương có thể chậm lành nhưng vẫn cần thường xuyên mở ra để xem có bất thường gì không, ví dụ như: vết thương lan rộng ra, rỉ thêm máu hoặc bị đau nhiều hơn.
Để ngăn nhiễm trùng vết thương dẫn đến viêm, loét thì việc cần làm là vệ sinh sạch vết thương rồi băng lại một cách sạch sẽ. Chú ý vệ sinh vết thương và thay băng hàng ngày.
Nếu vết thương ở bàn chân thì khi đi ra ngoài nên được băng bó cẩn thận và đi giày. Đi chân trần với dép thì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Khi vết thương bị nhiễm trùng nhiều thì dùng đến kháng sinh là điều cần thiết, nặng hơn là phải nhập viện để được điều trị.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Khoa học đã khẳng định, những người kiểm soát tốt lượng đường huyết (đường trong máu) thì sẽ ít có khả năng gặp phải những vết thương nghiêm trọng khó lành.
Với người tiểu đường tuýp 1 thì cần dùng insulin suốt đời để kiểm soát lượng đường trong máu. Còn với người mắc tiểu đường tuýp 2 thì có nhiều lựa chọn hơn như: dùng insulin và các loại thuốc khác, điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm cân nếu bị thừa cân béo phì. Việc thay đổi lối sống với người tiểu đường tuýp 2 là rất quan trọng, nó có thể giúp họ kiểm soát đường huyết tốt mà không cần dùng đến thuốc.