Viêm đường hô hấp trên: Nguyên nhân, mức độ nguy hiểm và cách điều trị

Viêm đường hô hấp trên là bệnh lý xảy ra phổ biến ở Việt Nam và trên Thế giới. Từ cảm lạnh thông thường đến viêm nắp thanh quản gây nguy hiểm đến tính mạng đều thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. 

Viêm đường hô hấp trên là gì?

Viêm đường hô hấp là bệnh gì hay viêm đường hô hấp là gì là câu hỏi của không ít người. Thực tế, đường hô hấp của con người được chia làm 2 phần: đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên bao gồm: xoang, đường mũi, hầu họng và thanh quản. Còn đường hô hấp dưới bao gồm: khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.

viem-duong-ho-hap-tren

Cấu trúc của đường hô hấp giúp hướng không khí chúng ta hít từ bên ngoài vào khí quản và cuối cùng đến phổi để quá trình hô hấp được diễn ra.

Viêm đường hô hấp trên hay viêm đường hô hấp là khi một trong các bộ phận của đường hô hấp trên bị lây nhiễm. Khi mỗi khu vực cụ thể của đường hô hấp trên bị nhiễm trùng thì sẽ được đặt tên bệnh theo khu vực ấy. Ví dụ như: viêm mũi (viêm khoang mũi), viêm xoang (viêm mũi họng), viêm họng (viêm họng, lưỡi gà và amidan), viêm nắp thanh quản (viêm phần trên của thanh quản hoặc nắp thanh quản), viêm thanh quản, viêm khí quản.

Viêm đường hô hấp trên là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khi đi khám bác sĩ với các triệu chứng khác nhau như: sổ mũi, đau họng, ho, khó thở, ngủ mê man.

Mặc dù viêm đường hô hấp trên có thể xảy ra bất cứ khi nào nhưng nó phổ biến nhất vào mùa thu và mùa đông, từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Đó là bởi nhiều loại virus gây viêm đường hô hấp trên phát triển mạnh trong điều kiện lạnh, ẩm của mùa đông và giao mùa đông-xuân.

Viêm đường hô hấp trên có lây không?

Phần lớn các bệnh viêm đường hô hấp trên là do nhiễm virus. Phần ít nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn. Và đương nhiên là bệnh viêm đường hô hấp rất dễ lây.

Thông thường, viêm đường hô hấp trên là bệnh truyền nhiễm và có thể lây từ người sang người bằng cách hít phải các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Việc lây viêm đường hô hấp trên cũng có thể xảy ra khi tay chúng ta tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh và đưa tay lên mũi hoặc miệng.

Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên

Thông thường, các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên là do phản ứng của hệ thống miễn dịch để chống lại virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng. Hệ thống miễn dịch đó bao gồm các chất nhầy ở mũi và các amidan ở vùng họng.

Các triệu chứng phổ biến của viêm đường hô hấp trên thường bao gồm:

  • Nghẹt mũi
  • Chảy nước mũi
  • Thay đổi màu nước mũi từ trong suốt sang màu xanh
  • Hắt xì
  • Đau hoặc ngứa họng
  • Nuốt đau
  • Ho (do sưng thanh quản và chứng chảy dịch mũi sau)
  • Mệt mỏi, tâm trạng khó chịu
  • Sốt nhẹ (thường gặp ở trẻ em)

Các triệu chứng ít phổ biến khác bao gồm:

  • Hơi thở có mùi hôi
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Đau xoang
  • Ngứa mắt và chảy nước mắt (viêm kết mạc)
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Nhức mỏi cơ thể

Các triệu chứng viêm đường hô hấp trên thường kéo dài từ 3-14 ngày. Nếu các triệu chứng này kéo dài trên 14 ngày thì có thể bạn đã bị viêm xoang, dị ứng, viêm phổi hoặc viêm phế quản.

Người bệnh cũng có thể bị viêm họng liên cầu khuẩn nhóm A nếu các triệu chứng tiếp tục xấu đi sau tuần đầu tiên (trong trường hợp không bị sổ mũi, ho hoặc viêm kết mạc). Với người bị viêm họng liên cầu khuẩn thì việc thăm khám và điều trị bằng kháng sinh sớm là điều rất cần thiết, nhằm tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ em.

Viêm nắp thanh quản cũng là một bệnh viêm đường hô hấp trên có thể xảy ra ở trẻ em. Bé sẽ có biểu hiện đau họng đột ngột hơn, cảm giác nghẹn ở cổ họng, khó nói, ho khan, nuốt đau và hay chảy nước dãi.

Viêm đường hô hấp trên có nguy hiểm không?

Hầu hết các bệnh về viêm đường hô hấp trên đều không nguy hiểm và chúng ta hoàn toàn có thể tự điều trị triệu chứng tại nhà mà không cần thăm khám bác sĩ. Bởi phần lớn những nguyên nhân gây nên bệnh viêm đường hô hấp trên đều là do virus, có nghĩa là nó có thể tự khỏi.

viem-duong-ho-hap-tren

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị, nếu:

  • Các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần
  • Triệu chứng ngày càng nghiêm trọng và xấu đi
  • Khó thở
  • Khó nuốt

Bởi lúc này viêm đường hô hấp trên là rất nguy hiểm và có thể gây ra tình trạng mất nước, khó khăn khi thở. Nhập viện là điều cần thiết đối với trẻ dưới 2 tuổi hay người già và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch.

Như vậy, với câu hỏi viêm đường hô hấp có nguy hiểm không thì câu trả lời là đa số trường hợp là không, nhưng không phải là hoàn toàn. Một số trường hợp viêm đường hô hấp trên vẫn rất nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

Cách điều trị viêm đường hô hấp trên

Hầu hết các bệnh về viêm đường hô hấp trên đều có thể tự điều trị tại nhà vì nó không có gì nguy hiểm. Dưới đây là một số cách chăm sóc người bị viêm đường hô hấp trên tại nhà mà bạn có thể tham khảo:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng
  • Uống đủ nước (ít nhất 2 lít mỗi ngày)
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh
  • Đảm bảo phòng ngủ luôn đủ ẩm và không khí trong lành, sạch sẽ
  • Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  • Trường hợp người bệnh bị sốt thì lau người bằng nước ấm liên tục cho đến khi người bệnh hạ sốt, nhất là vùng trán, nách, bẹn. Đối với trẻ em, khi sốt trên 38 độ thì có thể uống thuốc hạ sốt hoặc liên hệ bác sĩ để được giúp đỡ.
  • Nếu bị ho, có thể trị ho bằng cách uống những siro ho từ thảo dược tự làm tại nhà như: tỏi ngâm mật ong, húng chanh hấp đường phèn, hẹ hấp đường phèn, quất hấp đường phèn, trà mật ong và nước cốt chanh,…

Cách phòng ngừa viêm đường hô hấp trên

  • Không tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Nghỉ ngơi và thư giãn để tránh căng thẳng, mệt mỏi
  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng và đủ chất
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Với trẻ đang bú mẹ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
  • Rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ dùng cá nhân và môi trường sống thường xuyên
  • Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện của viêm đường hô hấp
  • Tiêm vắc xin phòng viêm đường hô hấp. Hiện nay, người dân có thể đến trung tâm tiêm chủng để tiêm phòng viêm đường hô hấp với các loại vắc xin như: Vắc xin phế cầu Synflorix (dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi – 5 tuổi), Vắc xin phế cầu Prevenar 13 (dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, người trưởng thành và người cao tuổi), Vắc xin cúm (cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.