Bệnh viêm tuyến giáp tự miễn là gì? Điều trị thế nào?

Bệnh viêm tuyến giáp tự miễn được định nghĩa như thế nào? Dấu hiệu và cách điều trị viêm tuyến giáp tự miễn ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Viêm tuyến giáp tự miễn là gì?

Viêm tuyến giáp tự miễn là tình trạng tuyến giáp bị viêm, nhưng nó xảy ra do chính cơ thể tạo nên các kháng thể tấn công tuyến giáp một cách nhầm lẫn. Các Bác sĩ cũng không hiểu đầy đủ lý do tại sao hệ thống miễn dịch lại hoạt động theo cách này. Có thể bởi một gen nào đó bị lỗi, do virus hay là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau.

viem tuyen giap tu mien
Viêm tuyến giáp tự miễn sẽ gây suy giáp nếu không điều trị kịp thời

Nói chung, viêm tuyến giáp tự miễn là tình trạng bệnh được quy cho các trường hợp cụ thể sau:

  • Viêm tuyến giáp bán cấp/cấp
  • Viêm tuyến giáp thể Hashimoto
  • Viêm tuyến giáp thể không đau

Tuyến giáp bị viêm sẽ thâm nhiễm rất nhiều lympho bào và tương bào, hình thành nốt xơ hóa, teo tế bào và sinh ra rất nhiều tế bào ái toan mạnh.

Viêm tuyến giáp tự miễn sẽ dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp, mất cân bằng tiết hormon giáp và điều hòa nội tiết cơ thể. Biểu hiện thường gặp là phì đại tuyến giáp, gây bướu cổ.

Đối tượng nguy cơ 

Bạn có nguy cơ cao bị viêm tuyến giáp tự miễn hơn nếu như:

  • Có gặp phải một rối loạn tự miễn dịch khác như lupus ban đỏ, tiểu đường loại 1 hoặc viêm khớp dạng thấp (đây là nhóm có yếu tố nguy cơ cao nhất)
  • Là phụ nữ thuộc nhóm tuổi trung niên (gần 90% viêm tuyến giáp tự miễn xảy ra ở phụ nữ)
  • Tiền sử gia đình có liên quan đến người bị viêm tuyến giáp tự miễn.
  • Đã tiếp xúc với bức xạ môi trường, bức xạ tia X hay phóng xạ.

Triệu chứng viêm tuyến giáp tự miễn

Vào giai đoạn sớm, có thể không nhận thấy triệu chứng rõ ràng nào

Dần dần, tuyến giáp có thể hơi sưng to ra (bướu cổ), cảm giác hơi đầy nghẹn ở cổ họng dù không đau. Nếu không chú ý người bệnh thường chủ quan mà không đi thăm khám.

Sau đó sưng to lan tỏa, bướu to hơn, sờ được hạt có mật độ cứng chắc hơn bình thường, có cảm giác đau

Cùng với đó là các triệu chứng:

  • Mệt mỏi, hơi nhức đầu
  • Nhạy cảm với lạnh
  • Da nhợt nhạt, hơi khô, móng tay khô, giòn
  • Rụng tóc
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Đau cơ và đau khớp
  • Táo bón
  • Rong kinh, quá kinh
  • Giảm trí nhớ, hay cáu kỉnh, buồn rầu vô cớ
viem tuyen giap tu mien la gi
Mệt mỏi bất thường vì viêm tuyến giáp tự miễn

Dần dần, tuyến giáp bị tổn thương không thể thực hiện công việc của mình, dẫn đến suy giáp. Bướu cổ to hơn cũng có thể gây chèn ép các cơ quan xung quanh làm khó nuốt, ho khan. Rối loạn nội tiết sinh hormon cũng khiến người bệnh mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến chuyển hóa cơ thể, chậm chạp, giảm khả năng lao động.

Chẩn đoán

  • Các Bác sĩ thường yêu cầu các xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp (hormon Thyroxine T4 và hormon kích thích tuyến giáp TSH), cùng với đó là xét nghiệm tìm kháng thể tuyến giáp thyroperoxidase đặc hiệu. Từ đây có thể phát hiện ra vấn đề ngay cả khi chưa có bất kỳ triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là đối với người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
  • Nhiều trường hợp yêu cầu siêu âm để thăm khám tuyến giáp kĩ hơn nếu kết quả xét nghiệm máu chưa rõ ràng.

Điều trị bệnh viêm tuyến giáp tự miễn

Không phải bệnh hiếm gặp nhưng may mắn là bệnh viêm tuyến giáp tự miễn không quá nguy hiểm và thường không đe dọa tính mạng người bệnh. Tỉ lệ tử vong do bệnh tự miễn tuyến giáp rất thấp nếu điều trị kịp thời.

Mục tiêu điều trị: giảm sinh kháng thể, ức chế quá trình sinh tổng hợp kháng thể miễn dịch chống lại kháng nguyên. Làm giảm sự tác động tại mô đích tuyến giáp của các lympho bào kháng thể.

Đặc biệt với đối tượng phụ nữ đang mang thai thì càng nên kiểm soát sớm nhất có thể để tránh ảnh hưởng tới em bé (dị tật bẩm sinh, chậm phát triển,…).

Phương pháp điều trị chính:

Tùy theo chỉ định của Bác sĩ mà đơn độc hay kết hợp các biện pháp dưới đây

  • Uống thuốc kê đơn corticoid: uống theo đợt kéo dài vài ngày, theo dõi nếu bướu tuyến giáp và các triệu chứng lâm sàng giảm dần để hiệu chỉnh liều
  • Điều trị hormon thay thế (thường cần điều trị bằng hormon tuyến giáp thyroxin suốt đời)
  • Phẫu thuật: trong trường hợp tuyến giáp to, có u vôi hóa hoặc có tế bào ung thư tuyến giáp
dieu-tri-viem-tuyen-giap-tu-mien
Điều trị viêm tuyến giáp tự miễn kịp thời có tỷ lệ thành công rất cao

Bên cạnh đó, vì là bệnh tự miễn nên nó thường có nguy cơ đi kèm với các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 2, suy buồng trứng … vì vậy nên hỏi ý kiến Bác sĩ thường xuyên để có cách điều trị tốt nhất. Kết hợp với đó là duy trì một chế độ dinh dưỡng, luyện tập để tạo hiệu quả cao hơn là chỉ dùng thuốc đơn thuần:

  • Ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng khẩu phần rau xanh tốt cho đường ruột
  • Tập thể dục nhẹ nhàng tăng đề kháng
  • Kiểm soát tốt stress và tâm lý, tránh căng thẳng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.